Review sách Một nửa sự thật nhận định về “Nhân tố Enzyme” của BS Hiromi Shinya

Gần đây, thương hiệu sách y học Medinsights có ra mắt cuốn "Một nửa sự thật nhận định về Nhân tố Enzyme" của Bác sĩ Hirom Shinya.

Để tiếp thị sách, công ty có nhiều hoạt động truyền thông. Ví dụ chạy quảng cáo, tổ chức hội thảo trực tuyến. 

Hoạt động này khiến cho bạn một số bạn có cảm giác có cuộc chiến công kích toàn diện vào bộ sách Nhân tố Enzyme. 

Một số bình luận độc giả phản ứng thái quá theo kiểu phủ định sạch trơn toàn bộ nội dung của bộ sách này.

Cho rằng sách không có giá trị nữa. Lãng phí tiền. Hay tại sao lại xuất bản sách có nhiều nội dung không đúng như vậy. 

Trong bài viết này mình chia sẻ cảm nhận về sách Một nửa sự thật cũng như sách Nhân tố Enzyme

review sách một nửa sự thật

Quyền được tiếp nhận thông tin đa chiều trong lĩnh vực sức khỏe

Đầu tiên, một số bạn sau khi đọc xong cuốn Một nửa sự thật có ý cho rằng: 

Sách có nhiều kiến thức khoa học không đúng. Vậy phải chăng không nên xuất bản kiểu sách này như vậy. 

Mình từng đọc nhiều sách của Medinsights. Lựa chọn sách để dịch và công bố cho công chúng Việt Nam là chiến lược riêng của từng nhà phát hành sách. 

Có vẻ như Medinsights thích những dòng sách y học chính thống. Thích chơi trong vùng an toàn. 

Thương hiệu này không mặn mà cho lắm những sách y học thưởng thức có nội dung tính khiêu khích y học chính thống. 

Trong khi bên phía Thái Hà lại mạnh dạn công bố những dòng sách y học chứa nội dung có tính tranh luận cao. 

Chính vì vậy, ngay từ những trang đầu của bộ sách Nhân tố Enzyme, bên Thái Hà có dòng cảnh bảo như thế này: 

cảnh bảo từ nhân tố enzyme

Thực ra, khi đề cập đến các vấn đề sức khỏe, những cảnh bảo kiểu như này khá phổ biến. 

Thái Hà khá thoải mái trong việc phổ biến sách thưởng thức y học.  Ví dụ công ty cho phát hành sách Bất ngờ lớn từ chất béo (khuyến khích ăn thực phẩm động vật trái với lời khuyên từ cuốn Nhân tố enzyme). 

Vì vậy: 

Khi tiếp nhận bất cứ kiến thức y học bạn luôn xây dựng cho mình kỹ năng tư duy phản biện.

Không nên vội tin vào bất cứ người nào dù là chuyên gia, hay người nổi tiếng. 

Còn đương nhiên, bạn vẫn phải có quyền tiếp cận các ý kiến trái chiều trong lĩnh vực. Không thể chỉ đọc mãi một dòng sách cùng theo một triết lý chung. 

Thực ra, y học chính thống và các biện pháp y học thay thế (ví dụ sử dụng dinh dưỡng, ăn uống, sinh hoạt) luôn đặt trong thế cân bằng. 

Nhiều người bảo thủ cái gì cũng đợi phải có bằng chứng khoa học mới tin. Đợi chờ như vậy cũng đánh mất cơ hội để cải thiện sức khỏe. 

Một số người lại phiêu lưu quá. Cứ thấy người nổi tiếng chia sẻ một vài lời khuyên sức khỏe. Chưa vội tìm hiểu đã áp dụng ngay. 

Nói chung, nói về sức khỏe bạn cứ đọc hết các ý kiến các bên. Từ đó, bình tĩnh phân tích rồi mới đưa ra quyết định. 

Vấn đề với bộ sách Nhân tố enzyme của Bác sĩ Hiromi Shinya

Sau khi đọc xong cuốn Một nửa sự thật, cá nhân mình thấy nội dung của bộ sách 

Sách viết theo kiểu chia sẻ quan điểm

Nhân tố enzyme là dòng sách viết theo kiểu chia sẻ quan điểm cá nhân. Không phải là dòng sách đặt nặng tiêu chí "viết có sách mách có chứng".

Bạn không thấy có phần tài liệu tham khảo phải không nào. Vì vậy phản biện dòng sách tương đối dễ dàng. 

Với dòng sách có bằng chứng khoa học trích dẫn tương đối nhiều thì sao?

Muốn phản biện, bạn sẽ phải phân tích những bằng chứng đáng tin cậy hay không?

Bạn cần tìm những bằng chứng khoa học để chọi lại ý kiến tác giả. Cũng như để xem tác giả có chọn bằng chứng khoa học theo chủ quan hay không?

Khá mất thời gian phải không? 

Sử dụng lý thuyết chưa kiểm để đưa ra kết luận

Trong sách này, tác giả sử dụng lý thuyết enzyme diệu kỳ để đưa ra nhiều lời khuyên sức khỏe. 

Ở đây phải nói luôn, lời khuyên của BS Hiromi Shinya không phải là 100% rác rưởi. Vậy cuốn sách phản biện mới có tiêu đề Một nửa sự thật. 

Đừng đọc xong cuốn Một nửa sự thật rồi phủ định sạch trơn Nhân tố enzyem. Chơi như thế không ổn đâu bạn. 

Nhắc lại:

Luôn giữ thái độ bình tĩnh trước bất cứ cuộc tranh luận nào. Nhất là vấn đề dinh dưỡng sức khỏe. Một lĩnh vực mà khoa học vẫn có nhiều việc phải làm. 

Cá nhân mình đồng tình lý thuyết enzyme của vị bác sĩ không tính khả thi cao. 

Vậy nên, một vài lời khuyên đúng đắn của ông sử dụng lý thuyết này lại thành ra phản tác dụng. Khiến cho nhiều nghi ngờ lời khuyên đó. 

Bạn nên kết hợp giữa kiến thức từ cả hai cuốn Một nửa sự thật và Nhân tốc enzyme. Hãy chắt lọc để thu được những kiến thức hữu ích. 

Review Nội dung của cuốn sách Một nửa sự thật

Bây giờ, mình sẽ lướt qua một lượt nội dung cuốn sách này. 

Cuốn sách này do 3 tác giả viết.

  • Ông Vũ Thế Thành chuyên gia về an toàn thực phẩm: Vị này viết là chính. 13 chương trong tổng số 16 chương là do vị này viết. Còn những chương sau về vấn đề y học vị này mới nhường sân chơi cho 2 vị tác giả bác sĩ còn lại. 
  • Bác sĩ Trần Phạm Chí, trưởng khoa nội tiêu hóa Bệnh viên trung ương Huế: vị này viết chương 14
  • Bác sĩ Phạm Nguyên Quý, Khoa ung thư Nội khoa, bệnh viên Trung Ương Kyoto Miniren, Đại học Kyoto: vị này viết 2 chương cuối cùng. 

Chương 1 Hiểu về enzyem thế nào

Ở chương này, ông Vũ Thế Thành cung cấp kiến thức ngắn gọn về enzyme. Kiến thức này giúp bạn có cơ sở tốt hơn để đánh cuốn Nhân tố Enzyme. 

Có một hiểu biết chung thế này: 

Enzyme là protein. Vậy khi vào cơ thể sẽ phân giải thành acid amin. BS Hiromi nói rằng ăn nhiều thực phẩm giàu enzyme làm tăng enzyme trong cơ thể. 

Nên không rõ tăng kiểu nào vì cơ thể không hấp thu nguyên vẹn enzyme. 

Thực ra, xoay quanh enzyme có vài quan điểm đáng để xem xét: 

  • Không phải tất cả enzyme đều bị phá hủy acid dạ dày (1). Trong số đó có các enzyme thực vật. Nhớ rằng BS Hiromi có khuyên ăn nhiều thực vật. 
  • Vẫn có quan điểm enzyme hấp thu vào trong máu sau đó được tuyến tụy tái sử dụng (2) chứ không nhất thiết phân rã thành acid amin rồi mới hấp thu. 

Chương 2: Từ tăng đô rượu đến enzyme diệu kỳ

Chương này tác giả phản biện lại lý thuyết enzyme diệu kỳ thông qua ví dụ tăng đô rượu. 

Nói chung, lý thuyết enzyme diệu kỳ của vị bác sĩ Hiromi chưa có kiểm chứng. Vậy nên không có gì đáng phải tranh luận. Nếu cứ dùng lý thuyết này luận giải dễ dẫn đến cái đúng hóa ra thành sai.

Chương 3, 4, 5: Phản biện về sữa, sữa chua

Thực ra, tranh luận hại và lợi của sữa là chủ đề muôn thuở 

Cá nhân mình không uống sữa và sử dụng các sản phẩm từ sữa.

Đứng trước một thực phẩm giàu dinh dưỡng có khả năng tiềm ẩn rủi ro và một thực phẩm giàu dinh dưỡng không có rủi ro. Mình chọn cái thứ hai. 

Theo mình, cơ thể chúng ta không cần sữa (xem bài bào trên nutritionstudies.org Ở ĐÂY để có thêm bằng chứng khoa học). 

Cũng theo cuốn Chế độ ăn trường thọ (sách do chính Medinsights phát hành), bạn nên ăn thực phẩm tổ tiên bạn hay dùng. 

Sữa và các sản phẩm liên quan thực ra không phải là món truyền thống của Việt Nam. Chẳng qua gần đây Tây hóa với đời sống nâng cao, dân mình mới hay sử dụng sữa. 

Còn cách giải thích tác hại của sữa, sữa chua của bác sĩ Hiromi cũng có vấn đề thật. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà không thận trọng với sữa. 

Chương 6, 7, 8: phản biện về đường, muối

Đường, muối cũng là chủ đề gây nhiều tranh luận. Bác sĩ Hiromi đề cao quá mức muối biển, hay đường tự nhiên. 

Ông Vũ Thế Thành phân tích chỗ này quá chuẩn. Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn giữa sản phẩm tinh chế và sản phẩm thuận tự nhiên, mình vẫn lựa chọn thứ hai. 

Đồng ý đường nào cũng là đường. Muối nào cũng là muối. Nhưng không nên đánh đồng giữa sản phẩm tinh chế và tự nhiên được. 

Bạn vẫn nên sử dụng có kiểm soát đường và muối. Nếu dùng nên cân nhắc những sản phẩm tự nhiên.

Ví dụ như mình thích uống sữa hạt. Để làm ngọt mình hay sử dụng chà là. Đường trong hoa quả vẫn thích hơn đường trắng. 

Chương 9: Phản biện về trà xanh

Trong sách Nhân tố enzyme, Bác sĩ Hiromi nói quá về tác hại của trà xanh, cà phê. 

Trái lại, một số người lại thần thành hóa tác dụng của trà xanh. 

Trà xanh cũng như nhiều thực phẩm khác nên dùng theo hướng đa dạng. Tất nhiên bạn không thể uống trà xanh vô tội vạ.

Bạn nên sử dụng nó như một phần chế độ ăn đa dạng. Nếu chọn trà xanh, hãy chọn loại chất lượng một chút. 

Như bác sĩ Hiromi khuyên tránh sử dụng loại có chứa chất bảo vệ thực phẩm.

Thực ra, bác sĩ nói trà xanh không tốt, nhưng ông cũng chỉ nói uống hạn chế. Nếu uống chọn loại sạch sẽ một chút. 

Cách sử dụng trà, hay cà phê cũng đáng để bàn. Ví dụ uống cà phê đặc sản không thêm sữa, đường chắc chắn tốt hơn mấy loại cà phê sữa hòa tan. 

Hay thưởng thức trà theo phong cách trà đạo cũng vậy. Dân mình nhiều người thích ủ chín trà. Cách này dễ chiết ra nhiều chất chát. 

Trong khi uống trà đạo, thường ủ trong khoảng một phút. Rồi đổ hết ra chén tống. Trong lúc, rót trà từ chén tổng ra chén quân, nên mở nắp ấm trà để tránh trà chín nẫu do vẫn sót hơi nước nóng.

Thưởng thức trà kiểu này tinh tế hơn nhiều. 

Chương 10: Phản biện về dầu ăn

Chương này Ông Vũ Thế Thành làm rõ những kiến thức sai của Hiromi trong mảng chế biến dầu ăn tinh luyện. 

Tuy vậy, lời khuyên hạn chế ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ hay đồ ăn chiên rán vẫn là lời khuyên có giá trị. 

Theo mình thay vì chọn dầu ăn tinh luyện, bạn nên cân nhắc chọn dầu ăn chế biến theo phương pháp ép lạnh. Không dùng dung môi hóa chất tinh luyện. 

Ví dụ: dầu lạc Noom, hay dầu olive extra virgin Bragg

Loại này thích hợp xào nấu ở nhiệt độ vừa phải. Bạn đọc thêm Bộ sách Nấu ăn thông minh sẽ có kiến thức sâu hơn về chọn dầu ăn. 

Chương 11: Phản biện về lò vi sóng

Bác sĩ Hiromi cho rằng lò vi sóng không tốt. Ở đây tác giả Vũ Thế Thành làm rõ những hiểu sai về lò vi sóng của bác sĩ. 

Kiến thức hay và hữu ích. Thực ra, gần đây mình thấy nhiều gia đình cũng không chuộng lò vi sóng cho lắm. 

Một số bạn có vẻ thích sử dụng nồi chiên để hâm nóng thức ăn. Những sản phẩm nồi chiên hơi nước ngày càng hữu ích ở khoản này. 

Chương 12: Phản biện về chế độ ăn Shinya

Ông Vũ Thế Thành giữ quan điểm trung lập về các chế độ ăn. Vậy nên ông không thích cái tư duy đề cao chế độ ăn của mình hạ thấp chế độ ăn của người khác. 

Theo mình, bạn nên có quan điểm dứt khoát với các chế độ ăn. Bởi nhiều chế độ ăn giảm cân sẽ đem lại tác dụng nguy hiểm sức khỏe. 

Chế độ ăn Atkins là một ví dụ. Trong trang 150 cuốn Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe toàn diện, bạn sẽ thấy được tác dụng phụ ghê gớm của chế độ ăn này. 

Hay như chế độ ăn giảm cân Keto rất thịnh hàng. Trang 84 cuốn Chất xơ diệu kỳ tác giả cho thấy chỉ cần áp dụng chế độ này chưa đầy năm cơ thể bạn đã hình thành bệnh Crohn hoặc viêm loét đại trạng. 

Vậy nên hãy nghiên cứu kỹ các chế độ ăn trước khi áp dụng.

Vấn đề ở đây không thuần túy xem nhẹ cái này, đặt nặng cái kia. Mà phải đánh giá đúng những tác dụng phụ với sức khỏe bản thân. 

Để hiểu chế độ ăn của BS Hiromi, bạn phải đọc cuốn Nhân tố Enzyme Minh họa mới rõ. Bạn sẽ biết được bảy phương pháp sống khỏe của bác sĩ. 

Cuốn Một nửa sự thật, các tác giả chỉ phản biện cuốn Nhân tố enzyme - phương thức sống lành mạnh và cuốn Nhân tố Enzyme - thực hành (2 trong 4 cuốn của bộ sách). 

Chương 13: nhận định chung về Nhân tố Enzyme

Chương này ông Vũ Thế Thành tổng kết lại toàn bộ quan điểm về sách Nhân tố Enzyme. 

Chương 14: Phản biện của BS Trần Phạm Chí

Mình không đánh giá cao phản biện ở chương này. Khá sơ sài. Dễ hiểu khi mang nặng quan điểm của người theo y học chính thống. 

Nhân đây mình cũng chia sẻ: 

Bác sĩ Hiromi nhấn mạnh sự nguy hiểm của thuốc. Cái này chỉ mang tính nhắc nhở tác dụng phụ của thuốc. Tránh lạm dụng mà thôi. 

Bản thân ông chia sẻ vẫn phải dùng thuốc ức chế tiết acid cho bệnh nhân trào ngược dạ dày.

Sau khi bệnh nhân ổn định triệu chứng, ông mới bắt đầu đưa ra lời khuyên chế độ ăn để loại bỏ toàn bộ nguyên nhân bệnh. 

Nhân đây, mình chia sẻ thông tin thú vị từ cuốn Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe của toàn diện của GS Colin Campbell (cánh chim đầu đàn trong mảng dinh dưỡng của Mỹ.

Trang 39 của sách này cho biết chăm sóc y tế là nguyên nhân tử vong đứng thứ ba của Mỹ.

Nghe có vẻ sốc đúng không?

Ngay ở nơi mà chúng ta tưởng sức khỏe mình được bảo vệ hóa ra lại không vậy. 

Vậy cái gì gây tử vong trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Cũng theo trang 39 này, bạn sẽ thấy tác dụng phụ thuộc cũng thuốc đứng đầu. 

Cụ thể gây ra 106.000 ca tử vong. Còn sai sót trong kê đơn và cho thuốc thấp nhất 7.400 ca tử vong. 

Vậy nên chúng ta cần ý thức tác dụng phụ của thuốc.

Ở Việt Nam chúng ta hiện nay, cũng chả thiếu những vị bác sĩ hay cơ sở chăm sức khỏe thiếu lương tâm. 

Sẵn sàng kê thuốc, hay áp dụng chỉ định y khoa không cần thiết. Mục đích trục lợi từ bệnh nhân mà không màng đến những nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe bệnh nhân. 

Có khi bệnh nhân ốm tiếp lại mừng vì có cơ hội chặt chém thêm. 

Chương 15, chương 16: phản biện của BS Phạm Nguyên Quý

Khi đọc phản biện của BS Phạm Nguyên Quý có cảm giác ông chưa đọc kỹ cho lắm cuốn Nhân tố Enzyme

Ví dụ có đoạn: 

"Tuy nhiên, chúng ta có thể phát hiện ngay điểm vô lý trong đoạn này về mặt logic, vì ngay đầu trang BS Shinya viết rằng người Mỹ có đường ruột xấu vì ăn nhiều thịt, nhưng sau đó người Mỹ có đường ruột vì nhiều enzyme"

Ơ hay:

BS Hirom đã nói rằng ban đầu đường ruột Mỹ xấu thật. Sau đó nhờ có báo cáo của thượng nghĩ sĩ McGovern nên một số người dân Mỹ ăn uống lành mạnh hơn. 

Không còn ăn nhiều thịt. Vậy nên đường ruột mới tốt lên.

Trong khi đó dân Nhật ban đầu đường ruột tốt nhưng sau chịu ảnh hưởng văn hóa Mỹ. Xơi nhiều thịt nên đường ruột lại thành xấu. 

Chẳng có gì mâu thuẩn ở đây cả. 

Hay như ông Phạm Nguyên Quý cho rằng BS Hiromi không nói tới H.pylori. 

Thực ra, trang 49 của sách Nhân tố enzyme - Phương thức sống lành mạnh BS Hiromi có nói rõ:

"Khi bị viêm thắt dạ dày, lượng acid dạ dày tiết ra ít hơn, dạ dày trở thành nơi thích hượp, cho các vi khuẩn như Helicobacter pylori (H.pylori) phát triển. ... 90% bệnh nhân ung thư dạ dày ở Nhật cho là bị nhiễm khuẩn Helicobacter pylori.

Rõ ràng, trong cuốn sách Một nửa sự thật phản biện của ông Vũ Thế Thành sắc bén hơn. 

Bởi ngay từ phần lời mở đầu, ông Vũ Thế Thành chia sẻ ông đọc khá kỹ về cuốn Nhân tố enzyme. Vì ông sợ đưa ra nhận định sai lại rách việc. 

Lời kết

Không phủ nhận cuốn Một nửa sự thật giúp bạn dễ chắt lọc thông tin từ cuốn Nhân tố enzyme. 

Tuy nhiên, như tiêu đề Một nửa sự thật, cuốn Nhân tố Enzyme vẫn chứa đựng nhiều lời khuyên có giá trị. 

Vậy hãy sáng suốt lựa chọn thông tin. Sức khỏe trong tay bạn mà. 

Đừng quên chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích nhé.