Bài viết hôm nay mình sẽ review máy làm bánh mì Panasonic. Hay còn gọi là máy làm bánh mì tự động Panasonic.
Model mình review là: máy làm bánh mì Panasonic SD-P104WRA.
Phiên bản quốc tế hãng phân phối chính thức ở Việt Nam. Không phải phiên bản nội địa.
Còn nếu cần thêm đánh giá máy làm bánh mì Panasonic SD-P104WRA, hãy tiếp tục đọc bên dưới.
Lưu ý: Nếu bạn đang tìm hiểu nên mua máy làm bánh mì loại nào, đọc bài viết máy làm bánh gia đình tốt nhất.
Thiết kế máy làm bánh mì Panasonic có gì đặc biệt?
Ngoại hình bên ngoài của máy
Nhìn bên ngoài, chiếc máy này có thiết kế hình trụ nhô cao. Vì vậy nó không chiếm nhiều không gian bếp.
Trọng lượng của máy là 6kg. Máy có quai xách như nồi cơm điện. Với trọng lượng này nếu xách một tay mình thấy cũng khá nặng.
Do vậy mình thường hay một tay nắm quai xách một tay đỡ phía dưới cho yên tâm.
Về màu sắc:
Máy có màu trắng gần như tuyệt đối. Chỉ vùng điều khiển là có màu xám.
Màu trắng cho cảm giác tinh tế, sang trọng khi đặt trong gian bếp.
Tất nhiên bạn phải vệ sinh thường xuyên. Nếu không thì vết bẩn sẽ rất nổi bật phải không?
Hệ thống điều khiển
Giao diện hệ thống điều khiển của máy bằng tiếng Anh.
Chắc Panasonic nghĩ rằng trình độ tiếng Anh của người Việt hơi kém nên cung cấp mấy cái decal tiếng việt.
Khi mua về bạn chỉ cần bóc ra và dán lên thân máy. Như vậy nếu không nhớ chữ viết trên nút nghĩa là gì thì có thể tham khảo ngay trên tấm decal này.
Thực lòng mà nói:
Máy này rất dễ sử dụng. Chỉ có vài nút bấm. Ngồi đọc hướng dẫn sử dụng là nhớ ngay cách vận hành.
À mà cuốn hướng dẫn sử dụng cũng bằng tiếng Việt. Thậm chí hãng còn đầu tư thiết kế có kèm hình minh họa như kiểu truyện tranh.
Thiết kế bên trong
Đầu tiên khuôn nướng và dao trộn.
Khuôn nướng hình trụ. Nó phủ lớp Flo chống dính.
Chống dính có bền hay không?
Cái này thì mình cũng không rõ vì mới sử dụng. Cá nhân mình tin nó bền vì đây là dòng máy cao cấp đến từ thương hiệu uy tín.
Dĩ nhiên bạn cũng cần tuân thủ một vài lưu ý sử dụng để bảo vệ lớp chống dính. Trong sách hướng dẫn có nói rõ rồi.
Ở đây mình chép lại một vài lưu ý để bảo vệ lớp chống dính:
- Thêm nguyên liệu cứng có thể làm tróc lớp chống dính. Nên bạn cần xem xét tỉ mỉ nguyên liệu mình định dùng.
- Với các hạt tinh thể lớn như đường thô và muối biển thì hòa tan vào trong nước ở nhiệt độ phòng trước khi sử dụng. Mình thì hay dùng mật ong thay đường, còn muối thì dùng muối tinh hạt nhỏ.
- Đảm bảo cho nguyên liệu vào khuôn nướng theo trình tự: bột mỳ - nguyên liệu khác - nước.
- Không dùng vật cứng như dao, nĩa, và đũa để lấy bánh ra.
- Trước khi cắt bánh mỳ bạn nhớ kiểm tra xem đã lấy lưỡi dao trong bánh ra chưa. Vội vã mà cắt thì hỏng dao trộn bột đấy. Hình như bọn này không bán phụ kiện rời đâu.
Nắp định lượng
Nắp định lượng là thiết kế độc đáo của chiếc máy làm bánh mì này. Không biết có hãng nào làm như thế này hay không?
Ở trên nắp định lượng này có nắp định lượng hạt khô và ống định lượng men. Bạn chỉ cần bỏ hạt khô vào nắp định lượng hạt khô và men vào ống định lượng men.
Máy sẽ tự động thêm các nguyên liệu vào khuôn nướng bên dưới.
Thông minh phải không?
Với nguyên liệu ướt, dễ tan hoặc chứa hàm lượng nước cao thì bạn phải thêm thủ công khi máy có tiếng bíp. Ví dụ hoa quả dầm, hành hay rau, pho mát, socola...
Máy làm bánh mì Panasonic có tính năng gì nổi bật?
Hiện tại máy có một số tính năng nổi bật như bên dưới
Tính năng làm bánh mì
Phần thực đơn của máy có 13 lựa chọn khác nhau gồm:
- Bánh mì thường: thời gian hoàn thành xấp xỉ 4 tiếng
- Bánh mì nhanh: thời gian hoàn thành xấp xỉ 2 tiếng
- Bánh mì mềm: thời gian hoàn thành xấp xỉ 4 giờ 20 phút
- Bánh mì Pháp: thời gian hoàn thành xấp xỉ 5 giờ.
- Bánh mì nguyên cám: thời gian hoàn thành xấp xỉ 5 giờ.
- Bánh mì gạo nguyên hạt: thời gian hoàn thành xấp xỉ 4 giờ.
- Bánh mì gạo: thời gian hoàn thành xấp xỉ 2 giờ 30 phút.
- Bánh mì dứa (thơm): thời gian hoàn thành xấp xiwr 2 giờ 15 phút.
- Nhào bột làm bánh mỳ: thời gian hoàn thành xấp xỉ 1 giờ.
- Nhào bột làm pizza: thời gian hoàn thành xấp xỉ 45 phút.
- Nhào bột làm vỏ bánh bao: thời gian hoàn thành xấp xỉ 15 phút.
- Bánh ngọt: thời gian hoàn thành xấp xỉ 1 giờ 30 phút.
- Sô cô la: thời gian hoàn thành xấp xỉ 17 phút.
Cảm biến nhiệt độ
Máy có cảm biến nhiệt độ thông minh. Do vậy máy có thể tạo ra môi trường lý tưởng cho hoạt động làm bánh mì.
Vì vậy thời gian hoàn thành các chương trình làm bánh không cố định. Nó phụ thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm môi trường bên ngoài.
Tính năng hẹn giờ
Tính năng hẹn giờ của em máy này rất tiện dụng. Thời gian hẹn giờ lên tới 13 tiếng.
Như vậy bạn có thể chuẩn bị nguyên liệu vào buổi tối và hẹn giờ. Sáng hôm sau, bạn có bánh mì nóng hổi để ăn.
Tính năng chọn màu vỏ bánh
Bạn có thể chọn vỏ mánh qua nút Crust. Có hai màu vỏ bánh cho bạn lựa chọn: Light (vỏ mềm) và Medium (vỏ cứng, sẫm màu và giòn).
Tính năng ghi nhớ khi mất điện
Khi làm bánh mì mà mất điện thì máy sẽ tự động lưu trong bộ nhớ tối đa 10 phút. Nói cách khác nếu mất điện không quá 10 phút thì máy vẫn có thể tiếp tục hoạt động trở lại.
Còn quá 10 phút thì coi như làm lại. Với thời gian ngắn như vậy thì tính năng này hữu ích khi bạn chẳng may rút nhầm phích cắm điện.
Còn mất điện thực sự thì cũng chả có tác dụng mấy. Bởi ít khi mất điện chỉ có 10 phút phải không nào?
Cách sử dụng máy làm bánh mì Panasonic và công thức làm bánh mì
Như mình đã nói, chiếc máy này vận hành vô cùng đơn giản.
Máy có 13 thực đơn. Khi chọn thực đơn qua phím menu thì chỉ có phần số thực đơn.
Panasonic đã có một tấm decal ghi số thực đơn tương đương với chế độ làm bánh nào. Bạn chỉ cần dán decal lên thân máy.
Như vậy bạn không cần mở hướng dẫn sử dụng mỗi khi làm bánh.
Nói chung làm bánh vài lần bạn sẽ nhớ số thực đơn. Thậm chí cả công thức làm bánh mì tương ứng.
Còn đây là cách sử dụng chung của máy: (Mình minh họa cách làm bánh mì nhanh với em máy này - công thức mình chia sẻ bên dưới)
- Bước 1: Bạn lắp lưỡi dao vào khuôn nướng.
- Bước 2: Bạn cho bột mì và các nguyên liệu khác trừ men khô vào khuôn nướng.
- Bước 3: bạn cho men khô vào ống định lượng men khô và hạt khô vào phần định lượng hạt khô.
- Bước 4: Chọn menu cho phù hợp với công thức làm bánh mì bạn định thực hiện. Tùy theo thực đơn bạn có thể chọn thêm màu vỏ bánh (crust) hay raisin (cho thêm hạt khô).
- Bước 5: Khi máy phát tiếng bíp báo hiệu kết thúc làm bánh. Bạn mở máy và lấy khuôn nướng. Đợi cho nguội vài phút rồi mới lấy bánh ra nhé. Khi cắt bánh phải chắc chắn đã lấy dao nhồi bột ra khỏi phần đáy bánh.
Nguyên liệu mình dùng:
- Bột mì gluten cao thương hiệu bột mì bánh xe
- Men khô mauripan không cần kích hoạt
- Mình sử dụng mật ong thay đường trắng để thân thiện hơn với sức khỏe
- Mình dùng bơ lạt TH để ủng hộ hàng Việt Nam.
- Bột mì nguyên cam Bob với bánh mì nguyên cám
Vì mình thấy nhiều bạn dễ làm mất sách hướng dẫn sử dụng, nên mình tổng hợp lại một số công thức làm bánh mì.
Ở đây mình chỉ tổng hợp các công thức làm bánh mì cơ bản thôi để tránh bài viết quá dài. Nếu bạn cần thêm công thức nào thì để lại bình luận bên dưới bài viết.
Bánh mì thường (menu 1)
- Bột mì có hàm lượng gluten cao: 250g
- Bơ: 10g
- Đường trắng: 2 thìa canh (24g)
- Sữa bột: 1 thìa canh (6g)
- Muối: 1 thìa canh (5g)
- Nước: 190ml (có thể dùng nước lạnh 5 độ C và giảm 10ml nước khi nhiệt độ phòng trên 25 độ C)
- Men khô hòa tan: 1 thìa cà phê (2.8g).
Bánh mì nhanh: (menu 2)
- Bột mì gluten hàm lượng cao: 280g
- Bơ: 10g
- Đường trắng: 2 thìa cành (24g)
- Sữa bột: 1 thìa canh (6g)
- Muối: 1 thìa cà phê (5g)
- Nước lạnh 5 độ C : 210ml (giảm 10ml khi nhiệt độ phòng trên 25 độ C)
- Men khô hòa tan: 1 ½ thìa cà phê (4.2g)
Bánh mì mềm (menu 3)
- Bột mì có hàm lượng gluten cao: 250g
- Bơ: 15g
- Đường trắng: 2 thìa canh (24g)
- Sữa bột: 1 thìa canh (6g)
- Muối: 1 thìa cà phê (5g)
- Nước: 190ml (có thể dùng nước lạnh 5 độ C và giảm 10ml khi nhiệt độ phòng trên 25 độ C)
- Men khô hòa tan: 1 thìa cà phê (2.8g)
Bánh mì Pháp: (menu 4)
- Bột mì hàm lượng gluten cao: 225g
- Bột mì có hàm lượng gluten thấp: 25g
- Muối: 1 thìa cà phê (5g)
- Nước lạnh (5 độ C): 190ml (giảm bớt 10ml khi nhiệt độ phòng trên 25 độ C)
- Men khô hòa tan: ½ thìa cà phê (1.4g)
Bánh mì nguyên cám (menu 5)
- Bột mì nguyên cám: 75g
- Bột mì có hàm lượng gluten cao: 175g
- Bơ: 10g
- Đường trắng: 2 thìa canh (24g)
- Sữa bột: 1 thìa canh (6g)
- Muối: 1 thìa cà phê (5g)
- Nước lạnh 5 độ C: 200ml (giảm 10ml khi nhiệt độ phòng trên 25 độ C)
- Men khô: 1 thìa cà phê (2.8g)
Tỷ lệ bột mì nguyên cám ở đây có thể dùng từ 30% đến 100% so với tổng lượng bột mỳ.
Bánh mì gạo nguyên hạt: (menu 6)
- Bột mỳ có hàm lượng gluten cao: 230g (làm lạnh bột mỳ nếu nhiệt độ trên 30 độ C)
- Gạo đông lạnh: 80-110g (bạn có thể sử dụng gạo lứt, gạo nghệ tây, càng nhiều gạo bánh mỳ càng mềm, gạo cần để trong tủ lạnh khi nhiệt động phòng trên 30 độ C, không dùng cơm nguội bảo quản trong tủ lạnh (hoặc rã đông) hơn 1 ngày.
- Bơ: 10g
- Đường trắng: 2 thìa canh (24g)
- Sữa bột: 1 thìa canh (6g)
- Muối: 1 thìa cà phê (5g)
- Nước: 160ml (có thể dùng nước lạnh 5 độ C và giảm 10ml khi nhiệt độ phòng trên 25 độ c)
- Men khô hòa tan: 3/4 thìa cà phê (2.1g)
Máy làm bánh mì Panasonic có ồn không?
Khi tìm hiểu em máy này, mình cũng lăn tăn không biết nó còn ồn không.
Như bạn đã biết, khâu nhào bột làm bánh mì là khâu gây ra tiếng ồn nhất. Khi kiểm tra độ ồn của chiếc máy, mình rất bất ngờ với khả năng vận hành êm ái của nó.
Khi máy không nhào bột thì độ ồn chỉ khoảng 37.8. Đến khi máy nhào bột thì độ ồn tăng lên hơn 40dB.
Độ ồn này còn thấp hơn độ ồn khi chúng ta giao tiếp nói chuyện.
Vì vậy nếu bạn nghe nhạc hay đang nói chuyện, bạn có thể không cảm nhận được đang có một chiếc máy làm bánh mì hoạt động bên cạnh mình.
Tiếng ồn rõ ràng nhất của chiếc máy này là khi nó đổ men xuống dưới. Tuy vậy, tiếng ồn này chỉ diễn ra trong tích tắc thôi.
Tóm lại, bạn không cần lo lắng về độ ồn của máy. Trái lại khả năng vận hành êm ái của em nó sẽ làm bạn ngạc nhiên đấy.
Máy làm bánh mì Panasonic có dễ vệ sinh không?
Mình thấy vệ sinh máy rất dễ dàng. Nếu so với làm bánh mì truyền thống thì vệ sinh máy nhàn tênh.
Trước kia làm bánh mì mình sử dụng khá nhiều công cụ ví dụ như máy nhào bột Bear, lò nướng, tấm cắt bột, cây cán bột…
Sau khi làm xong dọn dẹp mệt nghỉ. Còn với chiếc máy này mình chỉ đổ tất cả nguyên liệu vào và bấm máy.
Sau khi làm xong thì mình chỉ cần vệ sinh khuôn nướng và dao. Vệ sinh cái này thì cũng giống như vệ sinh dụng cụ bếp có chống dính khác.
Chỉ cần không làm hỏng lớp chống dính là được.
Một vài lưu ý như sau:
- Bạn đợi khuôn nướng nguội rồi mới vệ sinh.
- Bạn không dùng dụng cụ kim loại để vệ sinh.
- Nếu mới làm sau khó vệ sinh thì ngâm nước cho bột bám mềm ra sẽ dễ vệ sinh hơn.
Chỉ có phần bên trục trong khuôn nướng bạn cần vệ sinh kỹ hơn bằng bàn chải nhỏ.
Khay định lượng hạt khô có thể tháo rời nên bạn có thể dễ dàng vệ sinh dưới nước.
Còn các bộ phận khác thì dùng vải đã vắt kiệt nước lau khô là xong.
Máy làm bánh mì Panasonic giá bao nhiêu, bán ở đâu?
Máy có giá bán tham khảo hơn 6 triệu.
Để xem giá bán hôm nay, bạn click nút bên dưới.
Đánh giá về máy làm bánh mì Panasonic
Tóm lại ưu điểm của máy làm bánh mì Panasonic SD-P104WRA:
- Thiết kế nhỏ gọn không chiếm nhiều diện tích
- Có tính năng tự động thêm men khô và hạt khô vào bột làm bánh (theo mình biết chỉ mỗi máy làm bánh mì Panasonic có tính năng thêm men tự động, các hãng khác đều phải thêm ngay từ đầu cùng các nguyên liệu khác, nếu làm không cẩn thận ví dụ để chung với muối có thể chết men, dẫn làm bánh mì thất bại).
- Sách hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt với đầy đủ công thức và hình minh họa rõ ràng. Phù hợp với những bạn chưa có kinh nghiệm làm bánh mì.
- Có cảm biến nhiệt độ thông minh để đảm quy trình làm bánh mì hoàn hảo nhất. Do vậy thành phẩm bánh mì làm ra siêu ngon luôn (chủ quan của mình).
- Lòng chống dính tốt nên dễ lấy bánh ra và dễ vệ sinh
- Có chế độ hẹn giờ 13 tiếng.
Nhược điểm:
- Lòng khuôn hơi bé. Mỗi mẻ bánh làm ra chỉ khoảng 500-600g. Bạn cũng không làm được nửa công thức. Bạn cũng không làm to hơn được vì nguyên liệu sẽ trào ra.
- Bánh mì cũng chỉ có một hình dạng như khuôn nướng. Nếu thích làm bánh mì có hình dạng khác bạn có thể chọn tính năng nhồi bột làm bánh mì. Sau khi máy nhồi và lên men xong, bạn lấy ra tạo hình rồi đem đi nướng trong lò nướng chuyên dụng.
- Tính năng làm bánh mì nguyên cám không cho thay đổi màu vỏ. Vậy nên màu vỏ bánh khá đậm, một số chỗ có thể cháy nhất là khi bạn tăng tỷ lệ bột nguyên cám. Mình phải chọn tính năng làm bánh mì thường để chọn chức năng vỏ nhạt.
- Số lượng các tính năng thiết lập sẵn khá hạn chế nếu so sánh với một số mẫu máy làm bánh mì mới xuất hiện gần đây. Ví dụ máy làm bánh mì Panasonic chỉ có 13 chế độ thiết lập sẵn trong khi máy làm bánh mì Ranbem có hơn 22 chức năng khác nhau.
- Có vẻ như hãng chỉ sản xuất theo đợt vậy nên nhiều khi có tình trạng khan hàng trên thị trường.
Đó là tất cả về review máy làm bánh mì Panasonic SD-P104.
Đừng quên chia sẻ bài viết nếu bạn thấy hữu ích nhé.
Chào bạn. Mình là Thịnh. Người viết nội dung trên nền tảng web.
Hiện tại mình có 2 web cá nhân.
Sotaychualanh.com chuyên chia sẻ về chủ đề sức khỏe và chăm sóc cá nhân.
Reviewdogiadung.com chuyên đánh giá các dụng cụ nấu nướng.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm website của mình.